Go Back   Diễn đàn Thế Giới Hoá Học > FOREIGN LANGUAGES AND OVERSEAS STUDY > DU HỌC & PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - OVERSEAS STUDY & RESEARCH METHODOLOGY

Notices

DU HỌC & PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - OVERSEAS STUDY & RESEARCH METHODOLOGY Thông tin học bổng du học; hội nghị, hội thảo khoa học; phương pháp luận nghiên cứu, phát triển khoa học

Cho Ðiểm Ðề Tài Này - "Thưa Bộ trưởng, khoa học đang đi về đâu?...".


  Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 03-24-2006 Mã bài: 811   #1
golddawn
Cựu Moderator
 
golddawn's Avatar

 
Tham gia ngày: Nov 2005
Tuổi: 44
Posts: 112
Thanks: 0
Thanked 87 Times in 46 Posts
Groans: 0
Groaned at 0 Times in 0 Posts
Rep Power: 26 golddawn is on a distinguished road
Default "Thưa Bộ trưởng, khoa học đang đi về đâu?..."

"Thưa Bộ trưởng, khoa học đang đi về đâu?..."


GS Hoàng Tụy
Gần đây Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) có đưa ra một số chủ trương đổi mới quản lý khoa học và công nghệ, đặc biệt là đề án “chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, giai đoạn 2006-2010”.

Cũng như đối với mọi chủ trương mới ở thời kỳ chuyển đổi này, bên cạnh những ý kiến hoan nghênh cũng có những ý kiến còn phân vân. Đó là việc bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, vừa qua trên diễn đàn www.most.gov.vn/fa_news, lãnh đạo Bộ KH-CN đã có phản ứng gay gắt không bình thường đối với những ý kiến không hợp ý mình.

Bày tỏ sự bức xúc, GS Hoàng Tụy gửi những suy nghĩ xung quanh các chính sách khoa học hiện hành qua bài viết dưới đây.

Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu

Phát triển khoa học, công nghệ cùng với giáo dục đã từng được trịnh trọng nêu lên là quốc sách hàng đầu, song cho đến nay khoa học, công nghệ vẫn chưa thật sự khởi sắc. Phải chăng vì đầu tư chưa đủ mức, vì đội ngũ khoa học, công nghệ của ta quá yếu kém, hay vì nguyên nhân gì khác?

Câu hỏi này đã từng đặt ra nhiều lần. Và cũng đã nhiều lần các cơ quan quản lý nhận định đúng đắn rằng nguyên nhân quan trọng nhất, nếu không nói chủ yếu, là thiếu chính sách thích hợp để động viên và phát huy tiềm năng của đội ngũ khoa học. Tiếc thay, chúng ta thường chỉ nhận định xong rồi để đó, vài năm sau lại lặp lại y như trước, làm mất hết lòng tin của những người thiết tha với sự nghiệp.

Lần gần đây nhất là năm 2001, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, nhiều người đã góp những ý kiến rất chân thành, tha thiết, mà rồi, cũng như các lần khác, mọi ý kiến tiếp tục chìm trong im lặng, ngoại trừ Nhà nước tốn thêm mấy trăm triệu chi cho các cơ quan “nghiên cứu cơ chế chính sách” để sản xuất thêm một số kiến nghị đút vào ngăn kéo vốn đã đầy ắp những văn kiện tương tự.

Mong rằng lần này, với áp lực hội nhập, chúng ta sẽ làm việc nghiêm túc hơn, trung thực, thẳng thắn và kỹ càng hơn, để có những hành động thiết thực, tạo được chuyển biến thật sự, gây lòng tin đã được chờ đợi từ quá lâu rồi.

"Có thực mới vực được đạo"

Trong giáo dục đã từng có ý kiến đổ lỗi những sự trì trệ, bê bối cho sự yếu kém của đội ngũ giáo viên. Trong khoa học chúng ta cũng thường được nghe những ý kiến chê trách đội ngũ khoa học. Của đáng tội, bệnh hám danh, cơ hội, chạy theo chức tước địa vị, đố kỵ, kém ý thức hợp tác... khá phổ biến trong giới khoa học.

Song theo tôi, cần lật ngược lại cách suy nghĩ để thấy rằng một phần khá lớn những yếu kém đó chẳng qua cũng chỉ là hậu quả tất yếu của những bất cập, hư hỏng, kéo dài hàng chục năm nay của bộ máy quản lý, không chỉ thiếu tầm, mà thiếu cả tâm, và không phải chỉ từ cấp thừa hành mà từ cấp cao.

Nói gì thì nói, xây dựng chính sách khoa học phải nhằm mục tiêu phát huy tối đa năng lực khoa học của đất nước, làm sao cho hiệu suất lao động khoa học đạt mức cao nhất có thể được. Muốn vậy, cần hiểu đúng một số đặc thù của loại lao động này, các nhu cầu vật chất, tinh thần, cần đáp ứng để nhà khoa học có thể làm việc hết sức mình và cống hiến.

Trước hết là lương và thu nhập thực tế, vì có thực mới vực được đạo, như ta thường nói.

Cách đây không lâu, nhân giải thich những tiêu cực nghiêm trọng trong ngành đăng kiểm vừa bị báo chí phanh phui, một quan chức phàn nàn rằng lương trung bình một nhân viên đăng kiểm chỉ khoảng 3 triệu/tháng là quá thấp. Thật lạ lùng, trong lúc đó, lương một giáo sư giỏi dạy ĐH chỉ hai triệu/tháng mà rất ít thấy vị lãnh đạo nào xót xa, mặc dù đã bao lần bàn thảo về các biện pháp và chiến lược phát triển khoa học và giáo dục.

Từ lâu các nhà khoa học đã được bảo: nhà nước chỉ đủ tiền trả lương chừng ấy, các anh hãy tự xoay sở! Và thực tế, sau mấy năm, họ cũng tự xoay sở được cả, đến nay phần đông có mức sống chẳng đến nỗi nào, một số còn giàu lên, thu nhập phụ hàng tháng lên tới hàng chục triệu, đâu kém gì mức trần 1.000-2.000 USD do Bộ KH-CN đề nghị cho những nhà khoa học “xuất sắc” đảm nhận nhiệm vụ quốc gia!

Chỉ có điều mức thu nhập phụ đó ở đâu ra, phải trả bằng những giá nào cho khoa học, giáo dục và kinh tế, thì các Bộ Tài chính, Nội vụ, Giáo dục, và Khoa học nên suy nghĩ có trách nhiệm hơn.

Với cách trả lương kỳ quặc này, nhà khoa học chỉ có thể dùng một phần nhỏ thời gian và tâm trí để làm khoa học theo đúng trách nhiệm, còn lại phải làm những việc khác, tuy không đúng với năng lực, sở trường và trách nhiệm, nhưng đem lại phần lớn thu nhập cho họ.

Rốt cuộc, tổng số tiền của xã hội đầu tư cho khoa học dù còn ít nhưng không nhỏ đối với chúng ta (kể cả công quỹ và mọi nguồn khác), thế mà sau hàng chục năm, khoa học vẫn còi cọc, nhiều ngành cứ lịm dần, chờ ngày bị xóa sổ nếu không được hồi sức kịp thời.

Chỉ xin nêu ra một vài ngành khoa học cơ bản: không kể một số ít giáo sư trình độ cao, nhưng tuổi còn cao hơn, và một số ít người trẻ tài năng còn làm việc trong nước, thì còn gì? Dăm năm nữa số đầu bạc nghỉ hẳn, hoặc nằm xuống hoặc đuối sức, còn số trẻ giỏi thì tiếp tục tìm đường đi ra, trong lúc đó, với cơ chế quản lý này, rất ít người trẻ đã thành tài ở nước ngoài muốn trở về nước làm việc. Đến khi ấy, tuổi trung bình của các nhà khoa học đang thật sự hoạt động trong các ngành này sẽ là bao nhiêu? 65? 70? Đó có phải là chết lịm dần hay không?

Nhưng cái hại của chính sách lương sai lầm không phải chỉ có thế. Nếu trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước nó là nguyên nhân cơ bản sản sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng tràn lan, thì trong khoa học nó tác động nặng nề đến tính trung thực, khiến sự gian dối, làm láo báo cáo hay, hoặc như báo Lao Động đã có lần viết, “treo đầu dê bán thịt chó”, không phải chuyện hiếm trong làng khoa học.

Trên một nền tảng đạo đức học thuật như vậy mà số tiến sĩ, “viện sĩ” dỏm mỗi năm đều tăng với một mức không có nước nào trong khu vực bì kịp thì thử hỏi sự ô nhiễm môi trường khoa học nguy hiểm đến đâu. Khi sự gian dối đã len vào mọi hoạt động khoa học và giáo dục thì nó có nguy cơ biến thành một nếp sống, một nét văn hóa phổ biến cực kỳ xấu xa của xã hội.

Vì vậy để có chuyển biến thật sự chẳng những trong khoa học, công nghệ mà trong nhiều ngành quan trọng khác nữa, vấn đề cấp bách, vấn đề của mọi vấn đề, là cần giải quyết thỏa đáng chế độ lương cho nhà khoa học, để họ không phải kiếm sống bằng những công việc khác, mà có thể dành hết tâm trí cho khoa học.

Nhiều quan chức nói rằng điều này không khả thi vì chỉ muốn nâng lương cho mỗi nhà khoa học vài triệu đồng/tháng thôi cũng đã vượt quá khả năng của ngân sách. Song không phải như vậy. Một bài nghiên cứu của TS Vũ Quang Việt đăng trên VietNamnet cách đây không lâu về những con số giật mình trong các chi tiêu giáo dục, đã chứng minh điều ngược lại.

Điều kiện và môi trường làm việc: Bệ phóng cho nhà khoa học

Tuy nhiên, lương, dù cấp bách đến đâu cũng chưa phải là tất cả vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy Kuwait, Brunei, hay một số nước giàu có khác, trả lương rất cao mà khoa học của họ có ra gì. Ngay trong nước ta, chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" của một số địa phương đưa ra mấy năm qua cũng chỉ để tuyên truyền nhiều hơn chứ đã có mấy kết quả thiết thực.

Ai dấn thân vào khoa học đều hiểu rằng đây không phải là nghề để làm giàu. Một phát minh khoa học thường phải có thời gian mới thấy hết lợi ích của nó, hơn nữa do những tương quan liên ngành chằng chịt trong khoa học và công nghệ ngày nay, không phải lúc nào cũng có thể đánh giá dễ dàng lợi ích trực tiếp của một ngành khoa học riêng lẻ hay một phát minh khoa học riêng lẻ đối với sản xuất và đời sống.

Trái lại, một quyết định sáng suốt của nhà quản lý giỏi có thể đem lại hàng tỉ đô la lãi cho công ty trong thời gian ngắn, hoặc một sáng kiến kỹ thuật cũng có thể làm lợi ngay được hàng triệu đô la. Vì thế, dễ hiểu rằng ở các nước tiên tiến lương của tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị các công ty lớn thường cao hơn nhiều lần lương các bác học lớn. Song điều đó hoàn toàn không có nghĩa xã hội đánh giá thấp sự đóng góp của nhà khoa học, mà chẳng qua chỉ phản ảnh một đặc thù của hoạt động khoa học.

Nhà khoa học cần mức lương thỏa đáng, là để bảo đảm một mức sống tương đối, chứ không ai nghĩ đến mấy chục triệu hay mấy trăm triệu như giám đốc nhiều doanh nghiệp nhà nước, mà món nợ khổng lồ có lẽ sẽ còn đè nặng lên vai con cháu chúng ta nhiều thế hệ nữa. Cho nên vấn đề lương cho nhà khoa học không phải quá khó, nếu cơ quan quản lý thật sự quan tâm.

Điều khó hơn nhưng lâu nay ít được chú ý là trên cơ sở đồng lương thỏa đáng còn cần phải bảo đảm những điều kiện, và môi trường làm việc thích hợp thì mới thật sự khuyến khích được lao động khoa học.

Đam mê của nhà khoa học, niềm vui của họ, là sáng tạo, muốn phát huy tối đa năng lực sáng tạo đó họ cần lương đủ để dành trọn thì giờ làm việc. Nhưng đồng thời để làm việc có hiệu quả họ còn cần chỗ làm việc đủ tiện nghi tối thiểu, cần phương tiện làm việc thuận tiện (phòng thí nghiệm, thư viện, Internet, thông tin, liên lạc), cần hậu cần khoa học tốt (hỗ trợ các việc văn phòng)... cần sự thông cảm, ủng hộ và tôn trọng của xã hội và các cơ quan quản lý, cần có bạn bè, đồng nghiệp, học trò, và bầu không khí sinh hoạt học thuật dân chủ, phóng khoáng, lành mạnh, khuyến khích sự trao đổi bình đẳng giữa các ý kiến khác nhau...

Chỉ với những điều kiện và một môi trường như thế mới hy vọng có nhiều nhà khoa học làm việc ngày đêm, lăn xả vào những nhiệm vụ khó khăn nhất, như thường thấy ở các trung tâm khoa học lớn trên thế giới.

Một chính sách khoa học không chú ý đầy đủ các đặc thù nói trên dễ phạm sai lầm ấu trĩ và bất cập. Chẳng hạn, vì không hiểu cơ chế tác động qua lại phức tạp giữa khoa học và thực tiễn nên khi thì đòi hỏi máy móc mọi công trình khoa học phải có ứng dụng ngay vào đời sống và sản xuất, khi khác lại tôn vinh những giá trị khoa học vu vơ, khuyến khích tâm lý chạy theo danh hão rất nặng nề (và khá tốn kém, vì những danh hão ấy đều mua bằng ngoại tệ).

Cũng vì không chú ý các đặc thù của khoa học nên một mặt coi thường lương, mặt khác cho phép sử dụng phần lớn kinh phí cấp phát cho các đề tài khoa học để bổ sung thu nhập, mà việc duyệt và nghiệm thu đề tài lại rất tùy tiện, hình thức, không khuyến khích tài năng mà chỉ kích thích các hoạt động tiêu cực.

Tiền lương đã thế, còn chỗ làm việc thì theo quy định của Bộ Tài chính giáo sư không có buồng làm việc riêng, ít ra phải nhiều năm nữa mới được chỗ làm việc 6m2/người, không bằng không gian cho một phó phòng hành chính cấp thấp hiện nay; một giờ giảng của giáo sư được trả 12.000 đồng, còn một giờ giảng của Thứ - Bộ trưởng, bất cứ trình độ nào, cũng được trả 15.000 đồng. Dù đây chỉ là những quy định hình thức vớ vẩn nhưng cũng đủ phản ảnh khá rõ mức độ tôn trọng của các cơ quan nhà nước đối với khoa học như thế nào.

Với những điều kiện và môi trường như vậy, lương có cao bao nhiêu cũng khó thu hút được các nhà khoa học giỏi. Cho nên, trong buổi làm việc hồi tháng 9 với Thủ tướng tôi có nói: nhà khoa học cần lương, nhưng cái cần hơn nữa là điều kiện và môi trường làm việc.

Thưa Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ!

Thật đáng kinh ngạc, một điều đơn giản như thế mà ông Bộ trưởng KH và CN cũng không hiểu nổi, khi ông nói: Đừng tin những nhà khoa học nói không cần tiền, họ nói thế là không thật lòng (giả dối!), không thực sự cầu thị; tại sao “khinh” tiền, đồng tiền của người dân, người ta làm “đổ mồ hôi sôi nước mắt”!

Ôi giá như đây là điều tâm niệm của các quan chức như ông Bộ trưởng thì đâu đến nỗi lương một giáo sư chỉ có vài triệu/tháng, và hôm nay chúng ta đâu phải nhắc nhở nhau nhớ tới đồng tiền của dân để bàn về cái đề án đấu thầu đề tài khoa học mà hễ ai “chê” thì hẳn là người có tư duy cổ hủ!

Thưa ông Bộ trưởng, trong quản lý kinh tế, chúng ta đã (và đang) trả giá đắt cho hàng trăm doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ bạc tỉ mà giám đốc vẫn hưởng lương cao ngất ngưởng, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Các doanh nghiệp ấy đều do Nhà nước lập ra và “chọn mặt gửi vàng” để giao quyền quản lý trọn gói cho các giám đốc.

Họ cũng được bảo: cái gì cần tiêu cứ tiêu thoải mái, Nhà nước chỉ quan tâm kết quả; còn các dự án phải đấu thầu nghiêm chỉnh. Thế nhưng việc gì đã xảy ra ở công ty dầu khí, PMU 18... ông có biết không? Ông có bảo đảm rằng các cơ quan khoa học mà trong quá khứ không thiếu tiếng này điều kia sẽ hoàn toàn trong sạch khi ông phụ trách?

Với thiện chí tôi có thể tin được lời hứa tốt đẹp, song kinh nghiệm các xã hội văn minh đều cho thấy tránh sự cám dỗ vẫn an toàn hơn là đương đầu với nó. Vậy có nên bê cách quản lý tập trung quan liêu vào khoa học không?

Thật trớ trêu, trong lúc chúng ta đang cần thoát ra khỏi cái ách quản lý tập trung quan liêu, chẳng lẽ riêng ngành quản lý khoa học lại “đổi mới tư duy” bằng cách quay trở lại cái ngõ cụt đáng nguyền rủa ấy?

Tôi đã có dịp làm nghiên cứu khoa học và thẩm định các đề tài khoa học ở nhiều nước, không thấy ở đâu có kiểu quản lý khoa học như chúng ta. Bộ KH-CN nói là học tập cách quản lý của Mỹ, Nhật, nhưng tôi có thể khẳng định cách làm của ta hoàn toàn khác, mà những cái khác ấy cũng chẳng phải do xuất phát từ đặc điểm gì riêng của ta cả.

Làm một con đường, xây một nhà máy, là những công việc phức tạp nhưng đã có sẵn quy trình, và kết quả biết trước chắc chắn, do đó có thể đấu thầu để chọn phương án rẻ nhất, tốt nhất, lợi nhất.

Còn nghiên cứu khoa học là tìm cái mới, dò dẫm, có khi không tìm được cái định tìm nhưng lại tìm ra cái không dự kiến, quá trình sáng tạo không thể chắc chắn 100% mà thường có nhiều yếu tố bất ngờ. Cho nên chẳng ở đâu có chuyện đấu thầu để thực hiên một đề tài khoa học định sẵn, mà cũng chẳng ở đâu Nhà nước định ra cả trăm đề tài khoa học cụ thể rồi đưa ra đấu thầu trong giới khoa học.

Nhà khoa học muốn sáng tạo cần có cái gọi là “tự do hàn lâm” (academic freedom) trong phạm vi nhất định, và thông thường chỉ có chuyên gia từng lĩnh vực, am hiểu và có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực đó mới biết nên nghiên cứu đề tài gì và cần phương tiện gì.

Và cũng chỉ có chuyên gia cùng ngành (peer) với họ mới có thể đánh giá và thẩm định một đề tài nào đó có đáng được nghiên cứu hay không. Chứ làm sao một nhóm người nào đó, dù tất cả là bậc thầy chăng nữa, có thể sáng suốt định ra được 95 đề tài khoa học cụ thể để cho các nhà khoa học VN đấu thầu kinh phí nghiên cứu?

Làm như thế có khác gì để phát triển văn học, Nhà Nước chọn ra 95 đề tài tiểu thuyết rồi kêu gọi các nhà văn đấu thầu để được giao kinh phí viết tiểu thuyết theo từng đề tài ấy? Như thế mà lại gọi là vận dụng cơ chế thị trường vào quản lý khoa học ư?

Ở các nước, người ta không làm máy móc như vậy. Nhà nước chỉ xác định một số hướng ưu tiên (thường không nhìều lắm) để tập trung đầu tư cho những nghiên cứu về các hướng đó, thông qua các viện hay đại học (công hay tư) do Nhà nước lập ra (như Viện KIST ở Hàn Quốc) hay các tổ chức tư nhân lập ra.

Tuy nhiên trong mỗi hướng ưu tiên, cần nghiên cứu đề tài gì vẫn phải do chuyên gia bàn thảo và quyết định. Nhà nước thực hiện sự kiểm tra qua các sản phẩm làm ra, thể hiện ở các ứng dụng thực tế hay các công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.

Đối với các nghiên cứu thuộc những hướng ưu tiên thì như vậy, còn những đề tài nhằm giải quyết những vấn đề thiết thân của từng doanh nghiệp thì các doanh nghiệp tự làm, với sự hợp tác và giúp đỡ của các đại học và viện nghiên cứu. Các đề tài chưa rõ địa chỉ ứng dụng cụ thể hoặc có tính chất lâu dài về khoa học cơ bản, đòi hỏi nhiều đầu tư có tính rủi ro cao thì do chuyên gia ở các đại học và viện nghiên cứu chọn rồi có thể xin tài trợ của Nhà nước (hoặc các tổ chức tư nhân) thông qua các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học.

Đề tài nào muốn được tài trợ thì làm đề án gửi lên cơ quan quản lý quỹ hỗ trợ, ở đây họ tổ chức lấy ý kiến thẩm định của các chuyên gia cùng lĩnh vực (peer review) và dựa vào đó quyết định tài trợ cho những đề tài nào.

Quy tắc quản lý tài chính của các đề tài rất rành mạch: chỉ các đề tài nghiên cứu do các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu của họ mới có thể có thù lao, hay thưởng công cho người nghiên cứu, còn các đề tài khác thì kinh phí thường chỉ được phép dùng để chi cho các nhu cầu về phương tiện nghiên cứu (mua sắm thiết bị, vật liệu, phần mềm, tham gia các hội nghị học thuật, mời nhà khoa học ở nơi khác đến để hợp tác nghiên cứu...), chứ không có phần “trả công” để tăng thu nhập cá nhân cho người nghiên cứu.

Như vậy lợi ích thực tế mà nhà khoa học được hưởng không phải ở chỗ được trả công nghiên cứu (vì coi việc nghiên cứu là nhịệm vụ, đã được tính đến trong lương), mà ở chỗ được có điều kiện nghiên cứu về những vấn đề mình tâm đắc; mỗi đề tài được tài trợ cùng với các kết quả nghiên cứu là những bằng chứng thành tích hoạt động khoa học, được ghi nhận trong hồ sơ cá nhân có lợi cho sự thăng tiến nghề nghiệp của nhà khoa học.

Như vậy động lực thúc đẩy nghiên cứu không phải là thu nhập trực tiếp qua đề tài mà là lợi ích lâu dài và cơ bản của công tác nghiên cứu. Khi đề tài thực hiện xong không cần tổ chức nghiệm thu như ta làm một cách hình thức và thường không khách quan, mà chỉ cần báo cáo kết quả cho cơ quan tài trợ.

Việc thẩm định các đề tài để tài trợ không chỉ căn cứ vào nội dung đề tài, ý nghĩa và tính khả thi của nó mà còn xét các thành tích nghiên cứu mấy năm gần đây nhất của nhà khoa học, trong đó một phần quan trọng là kết quả thực hiện các đề tài trước đã được hưởng tài trợ. Nếu một đề tài được tài trợ mà ít kết quả thì không có hy vọng đề tài sau được tiếp tục nhận tài trợ. Thành thử, tuy không nghiệm thu mà vẫn buộc người nghiên cứu thực hiện nghiêm túc.

Xin đừng “trịch thượng”

Đó mới là cách quản lý văn minh, dành sáng kiến, chủ động tối đa cho nhà khoa học, tôn trọng tối đa nhà khoa học, đồng thời bảo đảm đầu tư có hiệu quả. Có thể không nên áp dụng nguyên xi các kinh nghiệm này cho chúng ta, nhưng cái tư duy cơ bản của nó thì đáng học tập, và đó là điều chúng tôi muốn nói khi phát biểu với Thủ tướng.

Dù đồng ý hay không, Bộ KH-CN cũng nên tỏ thái độ nghiêm túc lắng nghe các ý kiến trái với mình. Không nên đáp lại các ý kiến chân thành bằng lời lẽ thiếu nhã nhặn, kiểu ứng xử đó không thích hợp với tinh thần xã hội dân chủ, văn minh. Và cũng xin đừng gọi các nhà khoa học trẻ (dưới 45, theo nội dung của bài phát biểu) bằng “các em”, đó là cách gọi “xoa đầu” trịch thượng, thể hiện sự thiếu tôn trọng cần thiết.

GS HOÀNG TỤY
(link : http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/In...3&ChannelID=17)
golddawn vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 10-04-2007 Mã bài: 15819   #2
chocolatenoir
Moderator

 
Tham gia ngày: Sep 2006
Tuổi: 47
Posts: 396
Thanks: 107
Thanked 205 Times in 118 Posts
Groans: 3
Groaned at 6 Times in 5 Posts
Rep Power: 56 chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice
Default

Ngày 06/08/2007 tại hội thảo về Giáo dục Đại học tại trường Đại học RMIT đưa ra một vài con số đáng giật mình:

* Năm 1998, ngân sách giành cho giáo dục của VN là 11.754 tỷ đồng; năm 2007, là 67.000 tỷ. Tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục trên GDP của VN còn cao hơn Mỹ. Nhưng ngay cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cũng cho con đi du học (và rất nhiều giảng viên đại học nữa). Không thể trách phụ huynh cũng như các bạn sinh viên vì hệ thống đào tạo trong nước chỉ đảm bảo cho 10% người trong độ tuổi 20-24 đi học đại học. Trong khi, tỷ lệ này của Trung Quốc là 15%; Thái Lan 41% và Hàn Quốc là 89%. Tuy nhiên lý do chính để các bạn sinh viên phải khăn gói ra đi chính là môi trường và chất lượng giáo dục đại học.

* Chương trình đào tạo cử nhân của Việt Nam hiện nay buộc sinh viên phải học trung bình 2.183 giờ để ttốt nghiệp; trong khi ở Mỹ, sinh viên chỉ phải học 1.380 giờ ; có những ngành như kinh tế, sinh viên Việt Nam phải học gấp 3 lần sinh viên Mỹ. VD: cho 4 năm cử nhân SV học khoảng 210 tín chỉ x 15 tiết/tín chỉ = 3150 tiết gồm 90 tín chỉ cho giai đọan đại cương và 120 tín chỉ cho giai đọan sau đại cương). Sinh viên phải học gần như mọi thứ mà khoa và nhà trường đề ra. Học rất vất vả, nhưng sau 4 năm, sinh viên VN không những không được đào tạo thành một người có kiến thức sâu và tính sáng tạo, mà còn, không có được một nghề cho ra hồn.

* Cách tổ chức đại học theo hệ thống “niên chế” gây lãng phí rất lớn cho xã hội và người học rất nhiều so với hệ thống “tín chỉ đúng nghĩa” đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

+ Ở VN, dù có là thần đồng hay thiên tài cũng không thể học nhảy vượt cấp (tài năng thì đi vào trường chuyên lớp chọn, cũng học 12 năm mới được cấp bằng Phổ thông trung học). Chỉ sau khi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, học sinh mới được dự thi đại học. Nếu thi trượt, học sinh phải chờ một năm sau mới có kỳ thi đại học khác. Chưa kể muốn học trường nào thì phải thi vào trường đại học ấy.

+ Trong khi đó, ở hệ thống tín chỉ thực sự ở các nước, học sinh cấp 3 có thể học một số môn của bậc đại học tại các trường đại học cộng đồng ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Cũng ngay khi đang học phổ thông, một học sinh từ đủ 13 tuổi trở lên, có thể lựa chọn thời điểm thuận tiện nhất để thi SAT, kỳ thi được tổ chức 7 lần/năm mà số điểm của nó được coi như là một tiêu chí để đăng ký vào học tại các trường đại học. Kết quả cuộc thi SAT được bảo lưu 5 năm và hiện không chỉ Mỹ mà nhiều trường đại học ở Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Singapore, Thailand… cũng sử dụng.

+ Các sinh viên đại học trong hệ thống tín chỉ có thể học nhiều ngành cùng lúc và cho dù học bất cứ ngành nghề nào, sinh viên cũng bắt buộc phải học cùng những kiến thức cơ bản. Những tín chỉ này thường được công nhận ở nhiều trường đại học nên người sinh viên có thể đổi ngành, đổi trường mà không mất thời gian học lại. Để có được hai bằng đại học, những sinh viên học theo hệ thống tín chỉ thực sự chỉ mất khoảng 4-4,5 năm. Trong khi, một sinh viên VN phải mất từ 6-7 năm, lãng phí rất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc.

+ Nhưng điều quan trọng nhất là, có tới hơn 30% chương trình học là các môn mà sinh viên được tự chọn theo ý thích và mục tiêu chuyên sâu của mình (để giúp đỡ sinh viên chọn định hướng thật tốt có rất nhiều họat động hỗ trợ khác nhau ở trường đại học và cả ở bậc phổ thông). Do đó, tuy thời gian sinh viên các nước lên lớp chỉ bằng khoảng 60% thời gian của sinh viên VN, nhưng chất lượng đào tạo (thể hiện ở sản phẩm là người sinh viên tốt nghiệp ra đời làm việc) rất tốt.

* Ở VN chất lượng giáo dục đại học thấp không chỉ nằm ở vấn đề tiền ; quan trọng nhất là ở đội ngũ giảng viên; nói khác đi là không giống như các Đại học trên thế giới, đại học VN chưa phải là trung tâm của tri thức. Nếu như năm 2006, các giáo sư và sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã xuất bản được 4.556 bài viết khoa học; các giáo sư và sinh viên của Đại học Bắc Kinh có 3.000 bài; thì các giáo sư và sinh viên của cả Đại học Quốc Gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội chỉ có 34 bài viết khoa học. Cũng trong năm 2006, theo Ngân hàng Thế giới, có tới 40.000 bằng sáng chế được ứng dụng ở Trung Quốc trong khi chỉ có 2 ở Việt Nam. Đây là những chỉ số mà Thế giới sử dụng để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường.

* Tiền nhà nứơc cấp tăng đáng kể trong những năm qua không nâng cao nhiều chất lượng của giáo dục đại học. Sở dĩ có tình trạng đó là vì các trường Đại học không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu cả không gian sáng tạo. Không gian này đã bị Bộ Giáo dục Đào tạo “quản lý chặt chẽ đến nghiệt ngã” như cách nói của Cựu Bộ trưởng Trần Hồng Quân. Vụ Đại học thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo nghĩ thay cho các trường đại học từ chương trình khung đến định hướng giáo khoa, giáo án. Sự can thiệp này đã làm cho nhà trường, giảng viên thiếu tự tin, thiếu sáng tạo, thiếu sự cạnh tranh và thiếu cả trách nhiệm với người học.

* Cần phải trả tự quản cho nhà trường và tự do nghiên cứu, giảng dạy cho giảng viên.Tự chủ cho đại học phải trở thành một điều tất yếu thì mới cứu vãn được nền giáo dục VN. Trong khi các trường đại học mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu học tập của xã hội thì việc thành lập các trường đại học tư thục chẳng đơn giản chút nào.

Mới chỉ có 40 trường đại học, cao đẳng tư thục được thành lập, trong khi còn khoảng 60 hồ sơ khác đang được xem xét. Kinh nghiệm của Malaysia năm 1962 chỉ có một trường đại học, tới năm 1975, họ cũng chỉ có 5 trường ; điều này khiến cho tới năm 1990, chỉ có 3% thanh niên Malaysia có thể học đại học. Đạo luật “Các định chế giáo dục đại học tư” ra đời năm 1996 đã giúp Malaysia chỉ trong vòng 10 năm, 1996-2005, có tới 630 cơ sở đại học, chủ yếu là tư thục thu hút sinh viên từ 100 nước đến học ở Malaysia.

* Sự tập trung ngân sách cho các trường công cũng là một phương thức đầu tư bao cấp khiến cho tiền ngân sách không tạo ra được sự công bằng. Ngân sách giành cho giáo dục đại học của VN vào khoảng 450 triệu USD/năm so với Thái lan là 860 triệu USD/năm. Nhunưg trong khi quỹ cho sinh viên vay với lãi suất thị trường ở VN chỉ ở một mức rất nhỏ thì ở Thái Lan ngân sách cho quỹ học bổng lên tới 60 triệu USD và quỹ cho sinh viên vay với lãi suất ưu đãi lên tới 350 triệu USD. Đầu tư trực tiếp cho sinh viên thông qua những quỹ tài trợ, học bổng, hoặc tín dụng cho vay, nhưng người sinh viên chỉ phải trả vốn và lãi sau khi đã ra trường có công ăn việc làm chính là cách công bằng nhất để giúp những gia đình nghèo không phải bán ruộng, bán nhà cho con theo đuổi con đường học vấn.
Lược trích lại theo blog của nhà báo Huy Đức

Chữ kí cá nhânLéna: top 5 events which change my life


thay đổi nội dung bởi: chocolatenoir, ngày 10-05-2007 lúc 03:22 AM.
chocolatenoir vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 10-13-2007 Mã bài: 16268   #3
chocolatenoir
Moderator

 
Tham gia ngày: Sep 2006
Tuổi: 47
Posts: 396
Thanks: 107
Thanked 205 Times in 118 Posts
Groans: 3
Groaned at 6 Times in 5 Posts
Rep Power: 56 chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice
Default

Mình copy paste một số định nghĩa về vài chức danh thông dụng trong trường đại học.


1/
Trong hệ thống Mỹ có các bằng cấp như sau:
* Bachelor (BS): cử nhân đại học
* Master (MS) : thạc sỹ
* Doctor of Philosophy : tiến sỹ
Các sinh viên tiến sỹ (Ph.D student) ngoài việc làm đề tài nghiên cứu Tíến sỹ (Ph.D thesis) dưới sự hướng dẵn của Ban giảng sư thì còn có thể phải đi học bổ sung kiến thức, tham gia giảng dạy thực tập, giải bài tập... phụ cho các giáo sư. Đó cũng là cách rèn luyện nâng cao trình độ cho bản thân PhD sudent.

* Teaching assistant ( trợ giảng ) là vị trí cho những người đang làm luận án thạc sỹ (Master) hay tiến sỹ (Ph.D). Nhiệm vụ của vị trí này là giúp sinh viên giải bài tập hay phụ trông thực tập .

* Postdoc (post-doctoral) là một vị trí dành cho những nhà nghiên cứu trẻ tuổi (thường dưới 35 - 36 tuổi), sau khi đã bảo vệ xong tiến sỹ không lâu, và thường kéo dài khoảng 1 – 3 năm. Vị trí này thực chất là một giai đoạn thực tập nghiên cứu, trước khi có thể tìm được một biên chế cố định, và không được đánh dấu bằng bằng cấp nào gọi là “bằng postdoc” cả. Tuy nhiên ở các trường đại học khi tuyển dụng vào nghạch nghiên cứu-giảng dạy người ta có thể coi kinh nghiệm làm post-doc là một ưu thế.

* Trong các ngành khoa học tự nhiên ở Mỹ hay Cananda thì chức danh Assistant Professor (trợ lý giáo sư) là vị trí khởi đầu của một người vừa mới nhận bằng tiến sỹ (Ph.D.).

* Sau 5- 6 năm những người xuất sắc có thể được đề bạt lên associate professor (phó giáo sư).

* Sau nữa là giáo sư (thường là tuổi 45-55 sẽ đuợc phong giáo sư), không có nhiều người tuổi 40 được phong giáo sư.


Trong hệ thống của Pháp thì lại khác ở chỗ không có chức danh Phó giáo sư (associate professor). Chức danh đầu tiên đối với một người trẻ tuổi ở trường Đại học là Maitre de conferences. Chức danh này là một biên chế giảng dạy – nghiên cứu dành cho những người đã nhận bằng tiến sỹ (Ph.D) hay hoàn thành vị trí sau-tiến sỹ (post-doc). Trong hệ thống giáo dục Pháp, maitre de conferences có thể coi là tương đương với một trợ lý giáo sư (assistant professor) theo hệ thống của Mỹ, hay một giảng viên (lecturer) theo hệ thống của Anh hoặc Úc. Tuy nhiên Maitre de conferences hay trợ lý giáo sư (assistant professor) hay giảng viên (lecturer) thì không thể được coi tương đương, mà thực chất là thấp hơn, phó giáo sư (associate professor), lại càng không tương đương với “giáo sư” (professor)

Ở hệ thống Pháp có sự khác nhau giữa thang lương của “maître de conférences” và “giáo sư đại học” :
+ Thang lương của “maître de conférences” có 4 bậc: khởi điểm là 1.991 euro, sau 2 năm: 2.242 euro, hạng nhất: 3.606 euro, mức cao nhất: 4.299 euro.
+ Thang lương giáo sư đại học cũng có 4 bậc, nhưng lương cao hơn khoảng gấp rưỡi: khởi điểm: 2.888 euro, sau 2 năm: 3.222 euro, giai đoạn cuối của hạng nhất: 5.122 euro, mức cao nhất: 5.798 euro.


2/ Tên gọi GS hay PGS ở các nước nói chung được hiểu là một vị trí chức vụ (position) chứ không phải một chúc danh có giá trị suốt đời. Là giáo sư nghĩa là phải hoạt động cật lực trong giảng dạy và nghiên cứu.

Về giảng dạy : GS không nhất thiết phải giảng dạy theo nghĩa là phải lên lớp. Thật ra, giảng dạy ở đại học có nhiều cách, chẳng hạn hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng là giảng dạy, hơn nữa còn là giảng dạy ở trình độ cao.

Về nghiên cứu: Giảng dạy đại học phải dựa trên nghiên cứu khoa học, ngay cả ở những đại học mà GS chỉ có nhiệm vụ giảng dạy vẫn không thể bỏ qua nghiên cứu khoa học. Ở nhiều đại học lớn ở các nước có cả chức vụ “giáo sư nghiên cứu” (research professor), và thậm chí có nơi như ở Bắc Âu, GS không có nhiệm vụ giảng dạy theo nghĩa ta hiểu, mà chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu.


Một quan niệm rõ ràng là GS vừa là chức vụ vừa là học hàm và cũng có thể chỉ là một trong hai mà thôi. Kinh nghiệm của một người ABC được phong giáo sư toàn phần (full professor) tại Mỹ và tại Canada là:

a) GS/PGS là một chức vụ nếu ABC còn tiếp tục làm việc trong diện giảng dạy và nghiên cứu.

b) Nếu ABC không còn giảng dạy và nghiên cứu mà đi vào các chức năng quản lý hành chánh như Trưởng khoa (dean), phó hiệu trưởng (vice president), trong cùng một trường đại học nơi mà ABC được phong giáo sư, thì ABC vẫn có quyền giữ hàm GS và sẽ được phép tiếp tục xưng là GS ABCt, Trưởng khoa XYZ (ghi đầy đủ là Professor ABC, Dean of the Faculty of XYZ)

c) Nếu ABC không còn giảng dạy và nghiên cứu mà đi vào các chức năng quản lý hành chánh như Trưởng khoa (dean), phó hiệu trưởng (vice president), tại một trường khác với trường đại học nơi mà ABC được phong giáo sư, thì ABC không còn có quyền giữ hàm GS và sẽ chỉ tự xưng là TS ABC, Trưởng khoa XYZ (tức Dr. ABC, Dean of the Faculty of XYZ).
Nhưng nếu hội đồng giáo sư tại trường thứ hai này đồng ý phong hàm GS cho ABC khi ABC nhận chức Trưởng khoa thì ABC tiếp tục được quyền xưng là GS. Sở dĩ có trường hợp đặc biệt thứ hai này là vì theo thông lệ đối với các đại học tại Mỹ và Canada, các Trưởng khoa (Dean) thường chỉ được giữ chức nhiều nhất là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Mãn nhiệm kỳ thì các trưởng khoa trở lại làm GS bình thường tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu. Ông hiệu trưởng của trường đại học (president) của trường nếu mãn nhiệm kỳ có hàm GS cũng có thể quay lại làm chuyên môn vậy.

d) Nếu ABC không làm việc trong đại học nữa mà đi làm việc cho Bộ Đại Học dứt khoát không còn là GS nữa vì một bộ của chính phủ không phải là một cơ sở học thuật nên chỉ còn được xưng là TS ABC thôi.

Tại Mỹ và Canada không ai dùng từ GSTS như ở VN. Hoặc là TS, hoặc là GS, chớ TS và GS không bao giờ đi đôi với nhau vì nói bằng tiếng Anh nghe không lọt tai.

Chữ kí cá nhânLéna: top 5 events which change my life


thay đổi nội dung bởi: chocolatenoir, ngày 10-14-2007 lúc 01:27 AM.
chocolatenoir vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 10-13-2007 Mã bài: 16269   #4
chocolatenoir
Moderator

 
Tham gia ngày: Sep 2006
Tuổi: 47
Posts: 396
Thanks: 107
Thanked 205 Times in 118 Posts
Groans: 3
Groaned at 6 Times in 5 Posts
Rep Power: 56 chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice
Default

Về chức danh Viện sỹ Viện Hàn lâm (Ở VN chưa có Viện hàn lâm)


Theo từ điển Nga - Việt (NXB Tiếng Nga, Mátxcơva 1979), “Akademia” có hai nghĩa: 1. Viện hàn lâm, 2. Học viện, viện (như nhạc viện, viện bà mẹ và trẻ em, viện vệ sinh môi trường, viện giúp người mù, viện hoá đạo...). Không chỉ trong tiếng Nga, từ điển Pháp - Việt (UB KHXH Việt Nam 1988) cũng thấy từ “Académie” có mấy nghĩa sau: 1. Viện hàn lâm, 2. Hội, 3. Học viện, 4. Khu giáo dục, 5. Hình vẽ nghiên cứu khoả thân. Trong từ điển Anh - Việt (NXB Chính trị Quốc gia 1993), “Academy” có các nghĩa: 1. Học viện, trường huấn luyện đặc biệt, 2. Trường trung học (ở Tô Cách Lan), 3. Hàn lâm viện, hội nghiên cứu về mỹ thuật, văn chương...


Như vậy ta thấy từ “Akademia” (hoặc từ “Académie”, “Academy”) có nhiều nghĩa trong đó có 3 nghĩa cơ bản là: 1. Viện hàn lâm; 2. Học viện, trường; 3. Hội, câu lạc bộ.

Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Russian Academy of Science, được thành lập năm 1725 - viết tắt là RAS), cũng như Hội Khoa học Hoàng gia Anh (Royal Society of Science), và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (American National Academy of Sciences), là một trong những Viện hàn lâm khoa học hàng đầu thế giới, do Nhà nước Nga quản lý, trụ sở đặt tại số nhà 14 đại lộ Lênin, Mátxcơva. Viện Hàn lâm Khoa học Nga có 1.611 cơ sở nghiên cứu khoa học trực thuộc nằm rải rác trên khắp lãnh thổ LB Nga. Những nhà khoa học được bầu là Viện sĩ Hàn lâm khoa học của Viện là những nhà khoa học đầu ngành, được bình chọn rất nghiêm ngặt, có rất nhiều đóng góp cho khoa học (thường khoảng từ 300 công trình nghiên cứu được công bố trở lên), hiện nay Viện có 464 Viện sĩ Hàn lâm Nga (tức là không kể viện sĩ nước ngoài) và khoảng 600 viện sĩ thông tấn. Ở Nga Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học - akademik ở Nga là một học hàm cao quý và là học vị tột đỉnh trong khoa học. Có 3 viện hàn lâm khoa học được quyền phong học vị đó: Viện Hàn lâm khoa học LB Nga (Viện HLKH Nga), Viện Hàn lâm Y học LB Nga, Viện Hàn lâm nông nghiệp LB Nga.

Mỗi viện nghiên cứu khoa học của Nga thường chỉ có một viện sĩ hàn lâm làm Viện trưởng. Năm 1998, cả nước Nga chỉ bầu thêm được 4 viện sĩ hàn lâm Viện HLKH Nga, trong đó có 1 người trẻ nhất cũng đã 46 tuổi được bầu thẳng không qua hàm Viện sĩ thông tấn.

Viện sĩ HLKH Nga được xã hội và Nhà nước tôn trọng, có chế độ đãi ngộ cao hơn, có tiếng nói với chính quyền... Trên báo chí, văn bản, giấy tờ hàm viện sĩ được ghi là “Academik” - dịch chính xác ra tiếng Việt là Viện sĩ. Còn thành viên các “viện” - câu lạc bộ kia nên dịch đúng là “thành viên”, “hội viên” member of Academy, chlen Academy.
Cho đến nay số người Việt Nam được phong Viện sỹ tại các Viện Hàn lâm nứoc ngòai là không nhiều. Đối với các Viện Hàn lâm Khoa học ở Nga thì có :
-Viện Hàn lâm Khoa học (VHLKH Nga)
Việt Nam có 5 người được bầu là Viện sĩ nước ngoài: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu, Đặng Vũ Minh và Nguyễn Duy Quý.

-Viện sĩ các Viện Hàn lâm Khoa học chuyên ngành (Nga): Vũ Tuyên Hoàng (Nông nghiệp), Phạm Minh Hạc (Sư phạm), Đặng Hữu (Cầu đường)

-Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc: Nguyễn Văn Đạo

-Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3: Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Văn Đạo, Trần Ngọc Thêm...

Chữ kí cá nhânLéna: top 5 events which change my life


thay đổi nội dung bởi: chocolatenoir, ngày 10-14-2007 lúc 01:22 AM.
chocolatenoir vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 10-14-2007 Mã bài: 16293   #5
chocolatenoir
Moderator

 
Tham gia ngày: Sep 2006
Tuổi: 47
Posts: 396
Thanks: 107
Thanked 205 Times in 118 Posts
Groans: 3
Groaned at 6 Times in 5 Posts
Rep Power: 56 chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice
Default

Một trong những bài toán đang được cả những người làm giáo dục lẫn xã hội quan tâm tìm lời giải, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ là tránh tình trạng sinh viên học kiểu “tháp ngà”. Tuy nhiên, có một vế, quan trọng hơn, đó là hãy để chính các thầy, cô thoát khỏi “tháp ngà” trước.

Khái niệm “tháp ngà” chỉ việc sinh viên học tập một cách thụ động, không có khả năng tiếp cận thực tế, không ứng dụng linh hoạt được kiến thức đã học vào trong công việc khi đi thực tập và sau khi ra trường.
Thực trạng này không sai với đa số sinh viên ĐH, CĐ ở ta hiện nay. Song, nếu đổ hết lỗi cho sinh viên, e rằng chưa công bằng, thậm chí là sai.

Chắc chắn ai quan tâm đến giáo dục cũng biết một điều rằng, chất lượng đào tạo phải bắt đầu từ người thầy. Kỹ năng giảng dạy và kiến thức của người thầy sẽ quyết định chính đến thành tích học tập của trò. Đặc biệt, trong môi trường đào tạo nghề như ở ĐH, CĐ thì đó chính là cái nghề mà thầy truyền lại cho sinh viên.

Chúng ta cứ kêu, thúc giục sinh viên phải năng động, tự chủ, phát huy tính tích cực của sinh viên. Đồng ý, điều này không thể không thực hiện. Song, còn thầy thì sao?

Để trả lời câu hỏi này, đa số những người đã, đang học tập tại không ít trường CĐ, ĐH trong cả nước đều chứng kiến tình trạng chính thầy cô hàng ngày đứng trên bục giảng làm công tác truyền nghề, nhưng thực sự bản thân không hề có nghề.

Sự không có nghề ở đây được thể hiện ở hai dạng cơ bản:

* Một là, thầy đã từng có nghề, nhưng từ khi lên bục giảng thì cũng đoạn tuyệt với nghề, không chịu cập nhật kiến thức nên kiến thức nghề, kỹ năng nghề của thầy đã quá lạc hậu. Không ít giảng viên sử dụng giáo án đã ố vàng theo năm tháng, nhưng vẫn cứ đọc cho sinh viên khoá trước nối tiếp khoá sau chép nguyên văn.

* Hai là, thầy được tuyển dụng “mới toanh” khi vừa tốt nghiệp đại học, chưa có thời gian làm nghề, và quá trình làm giảng viên cũng không hề tham gia làm nghề. Thành thử, mọi kiến thức mà thầy, cô truyền đạt cho sinh viên chỉ là lý thuyết suông.

Hai dạng cơ bản này đã đẩy bản thân các thầy cũng là những người đang ngồi trong “tháp ngà” của nhà trường, của chính mình.

Không những thế, hiện nay không ít trường đang rơi vào tình trạng thầy dạy, thầy ra đề thi, thầy chấm. Do đó, khó tránh khỏi thầy dạy gì, thi nấy, điểm có thể rất cao nhưng đó là điểm ảo, kiến thức xa thực tế, không có khả năng ứng dụng.

Chúng ta không thể quy chụp hết khái niệm “tháp ngà” lên đầu sinh viên. Bởi rõ ràng, chỉ khi nào thầy thực sự có nghề, có khả năng truyền được nghề mà sinh viên đang theo học thì hãy trách sinh viên thiếu năng động, không biết ứng dụng linh hoạt kiến thức đã học vào thực tế. Trong khi kiến thức sinh viên học xa thực tế thì đòi hỏi của xã hội đối với các em (phải ứng dụng được kiến thức, phải làm được việc ngay) quả là bất công, và dĩ nhiên người thiệt thòi nhất vẫn chính là bản thân các em.


(trích theo Viet Nam net)

Chữ kí cá nhânLéna: top 5 events which change my life

chocolatenoir vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 01-01-2009 Mã bài: 33451   #6
chocolatenoir
Moderator

 
Tham gia ngày: Sep 2006
Tuổi: 47
Posts: 396
Thanks: 107
Thanked 205 Times in 118 Posts
Groans: 3
Groaned at 6 Times in 5 Posts
Rep Power: 56 chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice chocolatenoir is just really nice
Default

Topic này được mở bởi anh Goldawn nhưng hình như hiện nay anh đang ở USA chắc bận bịu nên từ lâu không thấy anh viết bài.
Bài viết trên VNN có liên quan đến vai trò của các Cán bộ giảng dạy trẻ. Link gốc ở dưới: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/01/821643/


Các chủ đề thường được đề cập nhất ở các bài báo khi bàn đến giảng viên trẻ là “lương”, “triển vọng nghề nghiệp”, “môi trường làm việc”. Có thể thấy, bất cập, thiếu sót trong điều kiện hiện nay phần lớn đều mang tính khách quan. Việc giải quyết cần có thời gian và cả sự vận động của chính đội ngũ giảng viên. Sẽ là phiến diện nếu nói là trách nhiệm thuộc về ai, giảng viên hay cơ chế. Vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ hiện nay chính là tự đào tạo, với sự giúp đỡ của nhà trường, địa phương và Bộ GD-ĐT.


Trong phạm vi bài góp ý này, tôi xin đề cập đến một khía cạnh tổng quát hơn: Xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ chất lượng.

Giáo dục Việt Nam có bằng nước ngoài được không?
Trong quá trình học tập ở Pháp, tôi nhận thấy, nếu so sánh tương quan thì chất lượng giảng viên Việt Nam chẳng kém bên này là bao.
Vì sao? Bóc tách lớp “cơ sở vật chất” ra khỏi chất lượng giáo dục, đưa chất lượng giáo dục về yếu tố con người thì có thể thấy, chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào người giảng viên. Ở đây (Pháp) cũng có những giảng viên dạy hay, sinh viên thích và tất nhiên cũng không ít giảng viên làm sinh viên ngủ gật, chán nản. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu có thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn không? Câu trả lời của bản thân tôi là có thể. Hãy bắt đầu từ đội ngũ giảng viên trẻ.

Dưới đây sẽ là một số định hướng để xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục Việt Nam:

“Dạy” cho giảng viên trẻ nhận thức bản thân

Giảng viên trẻ, các ông cụ bà cụ? Tôi viết như vậy vì ngoài các giảng viên tâm huyết với nghề, năng động sáng tạo thì còn một “đội ngũ” không nhỏ các giảng viên trẻ thụ động, đặc biệt là họ mang tư tưởng “ấm chỗ”. Họ phấn đấu với mọi nỗ lực học thật tốt để ở lại trường. Nhưng sau đó, khi đã ấm chỗ thì như các “ông cụ”, “bà cụ” có vẻ rất trí thức, rất kiểu cách mà quên mất rằng mình đang mang một trọng trách hết sức lớn lao. Họ chăm lo cho laptop với các bộ phim hay, chăm lo cho những chiếc áo đầm đắt tiền để cho bằng bạn bằng bè (đồng nghiệp), trong khi bài giảng thì sơ sài, “làm cho có”; nghiệp vụ sư phạm thì yếu kém. Nếu trong ngắn hạn, họ sẽ chỉ là những người kém năng lực, nhưng nếu đặt họ trong cái nhìn dài hạn, họ sẽ chính là những “tảng đá nặng” kéo con tàu giáo dục Việt Nam đi chậm như “rùa”. Tôi xin khẳng định, bộ phận này hiện nay chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Việc đầu tiên cần làm là “cài đặt” cho các giảng viên trẻ một tư duy chiến lược. Phải làm cho họ biết họ là ai, cần làm cái gì, cho họ biết giáo dục Việt Nam phát triển hay trì trệ một phần không nhỏ phụ thuộc vào họ. Điều này có thể làm được dựa vào các chương trình truyền thông, các khóa huấn luyện kĩ năng cho giảng viên trẻ.

Dạy ĐH là dạy “người lớn”. “Người lớn” chỉ nghe những điều mang tính trải nghiệm mà họ cho là đúng. Giảng viên chỉ có thể thuyết phục sinh viên khi chính họ phải trang bị một nền tảng nhận thức, thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn. Thật nguy hại nếu giảng viên truyền cho sinh viên những tư tưởng lệch lạc, méo mó chưa được gọt giũa của mình.

Đào tạo ngoại ngữ cho giảng viên trẻ

Cần phải nhìn nhận rằng, không ít giảng viên trẻ hiện nay rất yếu ngoại ngữ. Họ sớm hài lòng với chứng chỉ C. Trong khi nếu “quẳng” lên mạng, không ít người thậm chí còn quá ngây thơ. Nguyên nhân là vì “tiếng Anh nhiều quá, hoa mắt!?”. Chất lượng giảng dạy của giảng viên phụ thuộc vào chất liệu làm nên bài giảng. Mà chất liệu bài giảng không thể lấy từ các giáo trình “cũ mèm” mà phải “lục lọi” trên thế giới (Internet). Liệu giảng viên khai thác được bao nhiêu kiến thức nếu họ không có ngoại ngữ?

Việc đào tạo ngoại ngữ cho giảng viên trẻ cần phải làm có hệ thống và đặc biệt có các tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng sau các khóa học.

Tăng cường liên kết đào tạo và gửi giảng viên trẻ đi học nước ngoài

Tôi hoàn toàn tán thành với một số giáo sư về quan điểm đừng quá đặt nặng vấn đề “có trường lọt vào top 200” mà hãy quan tâm đến việc nâng cao chất lượng con người – giảng viên; để làm sao 70-80% SV ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nếu bóc lớp “cơ sở vật chất” ra khỏi chất lượng giáo dục thì tôi tin tưởng Việt Nam không thua kém các quốc gia khác.

Có thể thấy kết quả nghiên cứu, công trình khoa học được công nhận của họ một phần rất lớn nhờ vào hệ thống cơ sở vật chất “đồ sộ”. Vậy, việc của chúng ta là cho giảng viên trẻ một thời gian (1-2 năm) sống, học tập, nghiên cứu trong môi trường đó, trong cơ sở vật chất đó. Họ sẽ biết cần làm gì khi trở về.

Cũng cần công nhận rằng, một số giảng viên sau khi tu nghiệp một vài năm ở nước ngoài về nhưng chất lượng vẫn không tăng lên là mấy. Nguyên nhân, theo tôi, chính là việc chúng ta không làm tốt nhiệm vụ thứ nhất: Dạy cho họ cách nhận thức bản thân.

Tại sao có tiến sĩ 27 tuổi người Việt đang bắt tay vào thay đổi kinh tế thế giới? Tại sao có giảng viên trẻ làm chấn động ĐH Havard bằng đề tài luận án tiến sĩ của mình? Vì họ là người Việt Nam!

Theo GS Hồ Ngọc Đại, 2 cấp học quan trọng nhất chính là cấp Tiểu học và Đại học. Theo tôi, nếu dạy Tiểu học không tốt thì ĐH chính là “cơ hội cuối cùng” để sửa lỗi. Có thể làm được hay không, phụ thuộc vào chúng ta, đội ngũ giảng viên trẻ.


Tác giả bài viết : Đàm Duy Long (Réunion, Pháp)

Chữ kí cá nhânLéna: top 5 events which change my life

chocolatenoir vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn
  Gởi Ðề Tài Mới Trả lời


Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách)
 

Quyền Hạn Của Bạn
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts
vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở

Múi giờ GMT. Hiện tại là 02:37 PM.